Nếu có cơ hội về thăm miền Tây Nam Bộ, du khách đừng bỏ qua tỉnh Bạc Liêu. Vùng đất từ xa xưa đã nổi tiếng là trù phú và phì nhiêu. Đây còn là vùng đất hội tụ văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer thể hiện qua những công trình văn hóa độc đáo, tạo nên vẻ đẹp riêng. Nhắc đến Bạc Liêu người ta nghĩ ngay đến công tử Bạc Liêu – vị công tử nổi tiếng ăn chơi một thời hay quê hương của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu người sáng tác ra điệu “Dạ cổ hoài lang” lừng danh. Đến Bạc Liêu du khách không chỉ được thăm quan nhà công tử Bạc Liêu mà còn có cơ hội được nghe điệu đờn ca tài tử do các nghệ sĩ miệt vườn thể hiện và khám phá nhiều điểm đến hấp dẫn. Tận mắt chứng kiến, hẳn bạn sẽ phải ngỡ ngàng vì những gì thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất này. Xin giới thiệu những địa điểm du lịch Bạc Liêu tuyệt đẹp nhất định phải đến.
Nhà Công tử Bạc Liêu
Đây là nhà của ông Trần Trinh Trạch, cha của Trần Trinh Huy – người được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu hay còn gọi với một tên đặt biệt khác là “Hắc Công Tử”. Do gắn liền với tên tuổi của Trần Trinh Huy , nên nhiều người đến vùng đất này thường tìm đến ngôi nhà xưa của công tử Bạc Liêu đầu tiên. Nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc ở số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế và tất cả vật liệu để xây dựng đều được đưa từ Pháp qua, đây là ngôi nhà bề thế nhất ở Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Đến thăm nhà công tử Bạc Liêu, du khách sẽ được thấy cuộc sống giàu sang một thời của gia đình cậu Ba Huy.
Ảnh nguồn: sưu tầm
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu
Những khung hình với khoảng trời mênh mông, biển xanh bát ngát và dãy quạt gió khổng lồ khiến người ta có cảm giác bức ảnh được chụp ở châu Âu. Nhưng thực chất, địa điểm này nằm ở Bạc Liêu. Từ thành phố Bạc Liêu theo đường Cao Văn Lầu đi ra phía biển, ở địa phận ấp biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông là nhà máy điện gió Bạc Liêu.
Ảnh nguồn: sưu tầm
Đây chính là địa điểm chụp ảnh yêu thích của du khách đặc biệt là giới trẻ khi du lịch Bạc Liêu. Thời gian thích hợp nhất để chụp ảnh ở đây là lúc bình minh hay lúc 3, 4 giờ chiều bởi lúc này trời nắng không quá gắt khiến bạn khó chịu nhưng vẫn đủ ánh sáng và mát mẻ để cho ra đời những tấm hình sống ảo chất nhất.
Quảng trường Hùng Vương – Nhà hát Cao Văn Lầu
Được khánh thành từ năm 2014, đến nay Quảng trường Hùng Vương đã trở thành niềm tự hào của người dân Bạc Liêu. Quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở quảng trường đã giúp vùng đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa này ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Miền Tây và là một trong những quảng trường đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Khu vực quảng trường bao gồm nhiều công trình kiến trúc được bố trí thành một quần thể hài hòa, có tính thẩm mỹ cao và độc đáo, tạo điểm nhấn cho không gian đô thị của thành phố Bạc Liêu. Nổi bật nhất là cây đờn kìm được đặt trên đóa sen cách điệu thể hiện sự trường tồn và phát triển của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ nói chung và của văn hóa mang đậm bản sắc vùng đất Bạc Liêu nói riêng.
Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là nơi khẳng định vị thế của bản Dạ cổ Hoài lang và tôn vinh tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khu lưu niệm nằm trên chính con đường mang tên ông – đường Cao Văn Lầu, phường 2, TP. Bạc Liêu. Khu lưu niệm Nhạc sĩ Cao Văn Lầu gồm nhiều hạng mục nhưng điểm nhấn rõ nhất là Đài Nguyệt cầm. Đài được xây dựng bằng đá, nằm ở vị trí trung tâm và cao nhất là biểu tượng cây đờn kìm cách điệu – một trong 4 loại nhạc cụ chính của dàn nhạc tài tử Nam bộ và cũng chính từ cây đờn kìm này, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang bất hủ.
Tháp cổ Vĩnh Hưng
Thật thiếu sót nếu về Bạc Liêu mà không ghé qua Tháp Cổ Vĩnh Hưng – một công trình kiến trúc của người Khơme (thời kỳ tiền Angkor), cổ nhất được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tháp cổ Vĩnh Hưng tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, từ trung tâm thành phố bạn có thể theo lộ Cầu Sập – Vĩnh Hưng rẽ trái 2km là tới Tháp. Đến thăm tháp cổ du khách sẽ hiểu hơn về thời vàng son của một nền văn hoá Óc Eo nổi tiếng.
Ảnh nguồn: sưu tầm
Khu du lịch nhà mát Bạc Liêu
Cách đây không xa là Khu du lịch nhà mát Bạc Liêu đã trở thành địa điểm quen thuộc của du khách trong những năm gần đây. Nhà Mát còn được du khách gọi là “Suối Tiên của miền Tây” là một trong những khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng có qui mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Với khoảng không gian rộng lớn, bốn bề lộng gió, du khách sẽ cảm thấy thoải mái khi hòa mình vào dòng nước trong xanh. Tại đây còn có hệ thống tạo sóng biển tạo cho người tắm như đang hòa mình cùng biển xanh thật.
Cánh đồng muối Bạc Liêu
Vốn là nơi cung cấp số lượng muối lớn cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên cánh đồng muối là nét đặc thù của tỉnh Bạc Liêu. Ở Bạc Liêu có hai huyện gắn bó lâu năm với nghề làm muối, đó là huyện Hòa Bình và Đông Hải. Muối ở Bạc Liêu từ xa xưa đã nổi tiếng khắp vùng Nam Bộ bởi hương vị đậm đà, độc đáo, rất riêng biệt. Không những thế, với những ruộng muối mênh mông, phủ một màu trắng tinh khiết đã làm nên một khung cảnh đẹp ngỡ ngàng thu hút đông đảo du khách gần xa.
Chùa Giác Hoa
Chùa Giác Hoa tọa lạc tại ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi. Chùa được xây dựng từ năm 1919 do bà Huỳnh Thị Ngó (chị ruột của Công tử Bạc Liêu) – sinh ra trong một gia đình điền chủ giàu có tiếng ở Bạc Liêu vào cuối thế kỷ XIX hiến tiền, đất để dựng nên dân gian gọi là chùa cô Hai Ngó. Kiến trúc phương tây pha lẫn với phương đông cùng với tín ngưỡng tôn giáo tạo nên nét đẹp hiếm có của ngôi chùa ở Nam Bộ.
Chùa Xiêm Cán
Chùa Xiêm Cán (thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất, đẹp nhất và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ.
Ảnh nguồn: sưu tầm
Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang được chạm trổ tỉ mỉ, công phu. Không chỉ choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy của chùa Xiêm Cán, người Khmer ở đây còn rất hiền hòa, mến khách gây ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi đến tham quan, chiêm bái.
Lưu ý khi đến các điểm du lịch tâm linh ở Cà Mau để tham quan thì du khách nên giữ thái độ lịch sử, tôn kính. Hơn nữa phải ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ và nói năng nhỏ nhẹ, giữ trật tự xung quanh. Vì đây là nơi tôn nghiêm nên du khách phải có ý thức và tuân thủ các nội quy ở chùa, nhà thờ.
Thế đấy, vùng đất Bạc liêu bình dị và phóng khoáng sẽ níu chân du khách quay trởi lại, nếu đã một lần tới đây.